Quy hoạch mạng lưới GDĐH cần không gian hợp lí và phân bổ nguồn lực phù hợp

Thứ năm - 15/02/2024 16:48
GDVN- Vấn đề quy hoạch phân bố theo không gian hợp lí cũng cần phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp để các đại học quốc gia, đại học vùng phát huy vai trò đầu tàu.
Đào tạo đại học có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước.
Sau gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, giáo dục đại học Việt Nam có những bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể vẫn còn nhiều vấn đề lớn, cần có sự quan tâm và quyết tâm chính trị mới có thể kiến tạo hệ thống giáo dục đại học đủ mạnh, đáp ứng kì vọng về một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
Những vấn đề còn bất cập trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay
Các trường đại học hiện nay kể cả công lập lẫn tư thục được phân bố không đều trong phạm vi cả nước.
Phần lớn tập trung ở Đồng bằng sông Hồng (44,3%) và Đông Nam Bộ (18,4%), mà thực chất chỉ là tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các vùng còn lại mật độ các trường đại học rất thấp, Tây Nguyên 1,6%, Trung du và miền núi phía Bắc 5,7%, Đồng bằng sông Cửu Long 7%.
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa tới Ninh Thuận cũng chỉ bằng vùng Đông Nam Bộ (18,4%).
Bên cạnh mạng lưới các trường đại học được phân bố không đều về không gian thì phân bố về đội ngũ cũng rất chênh lệch.
giaoducdaihoc 1093
Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn
Tỉ lệ giảng viên có trình độ cao chủ yếu tập trung ở các trung tâm kinh tế - xã hội lớn; các trường đại học ở các địa phương phần nhiều thiếu vắng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, thậm chí tỉ lệ tiến sĩ/ giảng viên cũng cực kì thấp.
Ngược lại với quy mô về đội ngũ giảng viên, nhìn chung các trường đại học ở vùng trung du, miền núi hay một số đại học địa phương có diện tích khá rộng.
Ngược lại với diện tích rộng là mức đầu tư rất thấp, quy mô tuyển sinh rất ít, thậm chí có trường tuyển sinh không bằng 1 khoa của các trường đại học ở các thành phố lớn. Đó là một sự lãng phí đầu tư công trong giáo dục và đào tạo hiện nay.
Xét về diện tích, nhìn chung hiện nay chưa có sự quan tâm đúng nghĩa đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Tính đến năm 2030, cả hệ thống giáo dục đại học còn thiếu đến khoảng 3.041 ha đất cho các vùng, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng gần 1.132ha (riêng Hà Nội khoảng 938 ha) và Đông Nam Bộ 1.110 ha (riêng Thành phố Hồ Chí Minh 799 ha).
Hiện nay, nhiều trường phân chia sinh viên về học ở các cơ sở thuê mướn, rải rác trên phạm vi không gian rất rộng gây nên sự khó khăn cho người học, nhất là đối với các ngành đào tạo có thực hành thí nghiệm và tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ.
Điều đáng nói là mặc dù trong thập niên 2010-2020 là giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khá ổn định, nhưng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng rất thấp (chi cho giáo dục dao động từ 12-16%, cho khoa học công nghệ 0,6-0,8%).
Riêng đối với giáo dục đại học, chi ngân sách năm 2020 dự tính chỉ đạt 0,27% GDP và thực chi chỉ đạt 0,18% GDP, chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục.
Xuất phát từ việc đầu tư thấp, đồng thời chưa có chính sách hợp lí và kịp thời, cũng như việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp ở phổ thông chưa được quan tâm đúng mức… dẫn đến bức tranh tuyển sinh chung của các trường đại học trong cả nước có rất nhiều điều đáng bàn.
Quy mô đào tạo tập trung khá cao vào các ngành kinh doanh và quản lí (24%) tiếp đến là máy tính và công nghệ thông tin, pháp luật.
Trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, Toán và Thống kê là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội của quốc gia thì rất khó tuyển sinh.
Nguy cơ sẽ thiếu hụt nguồn lực chất lượng cao và nền kinh tế có xu thế mất dần năng lực cạnh tranh.
Đào tạo sau đại học cũng là vấn đề rất đáng lo lắng. Hiện tại học viên cao học và nghiên cứu sinh chủ yếu vẫn tập trung ở các ngành kinh doanh, quản lí (số liệu năm 2020 là 27,7% đối với cao học và 18,8% đối với nghiên cứu sinh).
Trong khi lĩnh vực cần trình độ cao, chuyên sâu như khoa học cơ bản, công nghệ kĩ thuật chiếm tỉ trọng vô cùng thấp (đối với cao học, khoa học cơ bản chiếm 2%, công nghệ kĩ thuật 0,28%, nghiên cứu sinh còn thấp hơn rất nhiều).
Rõ ràng nguồn lực lao động chất lượng cao nói chung rất có vấn đề, cần hết sức quan tâm.
Ở khía cạnh quản lí nhà nước về giáo dục đại học và quản trị ở cơ sở giáo dục đại học hiện nay đã có những bước tiến căn bản, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được thống nhất, rất cần quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Sự phân cấp, phân quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương mặc dù đã được quy định từ các văn bản pháp luật, nhưng thực tế vẫn chưa được tường minh.
Tự chủ đại học vẫn là câu chuyện dài chưa thông suốt từ chủ trương đến hành động. Xã hội hóa giáo dục, sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học tư thục còn nhiều vấn đề thiếu bền vững…
Chính từ thực trạng của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và quản lí nhà nước về giáo dục hiện nay, nên việc quy hoạch lại mạng lưới là rất cấp thiết.
Mặc dù vậy, Dự thảo lần này vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm để quy hoạch có tầm chiến lược hơn và đặc biệt là khả thi khi thực hiện.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thực chất là “3 phân”
Trước hết, cần xác định quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm chính là sắp xếp lại cũng định hướng phát triển các cơ sở theo hướng phân bố hợp lí về không gian, để phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp và phân kì thực hiện đảm bảo hiệu quả và khả thi.
Nếu triển khai một cách khoa học sẽ giải quyết được các vấn đề tồn tại dai dẳng nêu ở trên.
Để phân bố hợp lí về không gian cần bám sát vào quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng.
Trước hết phải khẳng định đất nước ta trải dài nên cần có 3 trung tâm đại diện cho 3 vùng chiến lược mà cụ thể là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Có 3 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục… của quốc gia cũng có nghĩa là có 3 trung tâm giáo dục đại học, tương ứng với 3 đại học quốc gia phụ trách những nhiệm vụ trọng yếu của đất nước.

 
bo 4

Bên cạnh 3 đại học quốc gia tương ứng 3 vùng chiến lược, thì các thành phố động lực thuộc các vùng và tiểu vùng cũng cần sắp xếp thành các đại học vùng trọng điểm, thực hiện nhiệm vụ liên kết vùng, có tính kết nối cao…
Tinh thần dù là đại học công lập hay tư thục thì cũng cần phân bố không gian hợp lí, không nên để các cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh như nhau nằm cạnh nhau và cạnh tranh không lành mạnh.
Cạnh tranh không lành mạnh trong giáo dục sẽ có hệ lụy cực kì lớn cho vận mệnh đất nước.
Về đầu tư, Luật Giáo dục đã khẳng định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”; “Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục” và “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.
Như vậy cần xác định rõ dù điều kiện kinh tế có như thế nào thì cũng cần phân bổ ít nhất 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo.
Vấn đề quy hoạch sắp xếp, phân bố theo không gian hợp lí thì cũng cần phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp để các đại học quốc gia, đại học vùng phát huy vai trò đầu tàu, kết nối, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học vệ tinh.
Tránh tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, cát cứ, không công bằng mới có thể đảm bảo tính hiệu quả cũng như đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, ngang tầm khu vực và vượt trội trong tương lai.
Giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, nếu xác định đúng vai trò dẫn dắt xã hội, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và thậm chí vượt trước thì cần phải có sự đầu tư chiến lược.
Để đầu tư chiến lược phải có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta chưa thực sự mạnh, do vậy rất cần phân kì thực hiện.
Việc phân kì có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn.
Vấn đề cần quan tâm
Trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm từ khía cạnh nguyên tắc hơn là biện pháp cụ thể.
Bởi vì không dễ gì có thể lắp ghép, sắp xếp một cách cơ học các cơ sở giáo dục đại học hiện nay trong khi hệ thống các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có quá nhiều vấn đề liên quan đến các luật chuyên ngành, đến các cấp quản lí và mô hình quản trị… Quy hoạch càng muốn cụ thể rất càng khó triển khai.
Để phân bố mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học một cách hợp lí cần quan tâm đến vị trí vùng miền, địa phương.
Rõ ràng, dù có cố gắng đến đâu nhưng nếu chúng ta bố trí các đại học trọng điểm không phù hợp với vị trí chiến lược sẽ là sự thất bại có tính chiến lược.
1 bthl2

Hiện nay, quản trị đại học có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn, nếu một đại học nằm ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì dù có cố gắng xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại đến chừng nào cũng khó có thể đưa đại học đó vươn tầm bay cao bay xa được.
Trong xu thế chung, các trường đại học nước ngoài có xu hướng nhắm đến thị trường các nước đang phát triển để tuyển sinh và tuyển dụng lao động.
Ở trong nước, người học cũng có xu hướng tìm đến các thành phố lớn để học và lập nghiệp.
Do vậy, nếu đầu tư quá nhiều vào các đại học địa phương thì cũng khó có thể tuyển sinh chất lượng và cũng khó có thể đào tạo các ngành khoa học nền tảng hay công nghệ tiên tiến tốt.
Mặt khác, vấn đề thu hút giảng viên có trình độ cao cũng không dễ dàng ở các địa phương hay vùng kinh tế còn khó khăn.
Hiện nay, các thành phố lớn có lợi thế tuyển sinh và tuyển dụng, và đó chính là những nơi có điều kiện hội tụ nguồn lực.
Nếu được bố trí đất đai hợp lí, đầu tư cơ sở vật chất tốt và có chính sách hợp lí… các trung tâm này sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo hướng tinh hoa, đồng thời giao thêm nhiệm vụ hỗ trợ, kết nối vùng, chịu trách nhiệm hỗ trợ đào tạo cho các trường vệ tinh và các phân hiệu ở các địa phương nhằm đáp ứng cung cấp nguồn lực phục vụ tại chỗ.
Thực tế, chúng ta không thể xóa bỏ ngay và không thể phủ nhận sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng ở các địa phương, thậm chí cũng cần ghi công, có chính sách đặc thù đối với những nhà giáo phụng sự cho sự nghiệp tại các cơ sở đó một thời đóng góp đáng kể.
Nhưng chúng ta cũng không thể kì vọng và quyết tâm đầu tư phát triển các đại học ở các địa phương để ngang tầm với các thành phố lớn và đưa các địa phương tiến xa, vượt trội để trở thành “trực thuộc trung ương” hay “đặc biệt”.
Tóm lại, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm hiện nay là rất cần thiết, tuy nhiên nếu không có nguyên tắc căn bản làm nền tảng để quy hoạch thì khó có quy hoạch tầm chiến lược và khả thi.


 

Tác giả bài viết: Hướng Sáng

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây