Những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần chuyển giao năm mới

Thứ năm - 06/01/2022 11:52
Chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về kế hoạch của ngành giáo dục trong năm 2022; Họp bàn về chiến lược giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới;… là những nội dung thu hút sự quan tâm trong tuần qua.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ dự định của ngành giáo dục năm 2022

Năm 2022, dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cũng chưa biết hồi kết. Những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí lớn hơn.

Với những khó khăn khách quan do dịch bệnh mang lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục phải xác định năm tới sẽ đầy thách thức, lớn hơn nữa là đối với công tác của ngành hay công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như đối với từng thầy cô và học sinh.

“Năm tới sẽ là năm chúng ta cần phải rà soát, đánh giá những kinh nghiệm phòng chống dịch trong 2 năm qua, đánh giá những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động sẽ còn lớn hơn nữa, từ đó điều chỉnh các biện pháp ứng phó trên cơ sở kinh nghiệm của 2 năm qua để tiếp tục kiên trì cho mục tiêu chất lượng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với giáo dục đại học, 2022 vẫn là năm tiếp tục triển khai, hoàn thiện để làm chất lượng sâu hơn, đầy đủ hơn, thực chất hơn đối với tự chủ đại học; để từng bước hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công cuộc phát triển đất nước. Đó là việc to lớn. 

Bên cạnh đó, việc vừa đổi mới giáo dục đào tạo, vừa ứng phó với tình hình dịch bệnh, kiên trì với mục tiêu chất lượng, cũng sẽ là việc lớn mà Bộ GD&ĐT chú ý trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, những câu chuyện như đảm bảo giáo viên đủ số lượng, chất lượng; quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng và toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung cũng là những việc lớn.

Bộ trưởng cũng cho biết: Cùng với chủ trương chung của cả nước, công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là vấn đề quan trọng mà Bộ GD&ĐT phải quan tâm trong thời gian sắp tới.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT xác định đây sẽ là năm tập trung để triển khai đề án về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, xây dựng hạ tầng về công việc, nguồn dữ liệu, sử dụng và khai thác để vừa phục vụ cho đổi mới hoạt động dạy và học... cũng chính là việc rất thiết thực trong việc ứng phó với dịch bệnh.

bt1

Ảnh minh hoạ/INT.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp toàn thể chuyên đề “Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”.

Phiên họp do Bộ GD&ĐT – cơ quan thường trực của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức. Tham dự phiên họp có các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc và uỷ viên các tiểu ban chuyên môn Hội đồng, uỷ viên Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Về tầm nhìn của Chiến lược, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Dự thảo đề xuất xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Cũng theo Thứ trưởng, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành và đề nghị bộ phận soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến; qua đó hoàn thiện dự thảo.

Với gần 20 ý kiến được nêu ra tại phiên họp, Bộ trưởng cho rằng, có ý kiến ở tầm vĩ mô, có ý kiến mang tính chất đặt vấn đề, gợi ý; có ý kiến góp ý trực tiếp vào từng nội dung, chỉ số của Chiến lược… tất cả đều có giá trị và không chỉ có ý nghĩa về hoàn thiện Chiến lược, mà còn giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý của Bộ GD&ĐT.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau phiên họp chuyên đề hôm nay sẽ có thêm nhiều cuộc trao đổi, góp ý nữa được tổ chức. Ban soạn thảo cũng sẽ làm việc sâu hơn với một số chuyên gia, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo.

 

Tác giả bài viết: Theo GD&TĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây